(Tư vấn Khai Tâm) Sau khi đăng loạt bài viết về vấn đề người già “đi bước nữa”, Báo GĐ&XH đã nhận được rất nhiều ý kiến của độc giả: Đồng tình không ít mà phản đối cũng khá nhiều.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý, việc đi “bước nữa” của người già là chuyện nên làm và hợp với tự nhiên.
Khi cô đơn, người già muốn “đi bước nữa
Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Mã Ngọc Thể, khi các cụ mong muốn đi “bước nữa” chính là lúc họ rất cô đơn và lúc này, các nhu cầu khác sẽ không thể thay thế được. Sự nương tựa vào nhau ở người già sẽ bù đắp cho sự thiếu quan tâm, chăm sóc của con cái. Đây là một việc nên làm, con cái cần khuyến khích để giúp cho cha (mẹ) có được trạng thái cân bằng về tâm lý, tinh thần. Ở người già, nhu cầu tình cảm chiếm khoảng 90% nhu cầu đời sống. Họ không cần ăn ngon, mặc đẹp cần được tôn trọng, sống có ích. Sự cô đơn ở tuổi già khiến các cụ rất sợ hãi. Vì vậy, họ rất cần một người bạn khác giới cùng thế hệ để chia sẻ tình cảm.
Đồng quan điểm, chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn, Công ty TNHH Tư vấn tâm lý, Đào tạo phát triển cá nhân và cộng đồng cũng cho rằng, người già muốn “đi bước nữa” chỉ vì sự cô đơn. Vì vậy, sự thoả mãn về tình cảm sẽ giúp người già sống lâu hơn. Phần lớn người già “đi bước nữa” thường là những người góa vợ hoặc chồng, hoặc con cái đã trưởng thành không có cơ hội chăm sóc cha (mẹ). Hơn nữa, cuộc sống vật chất, sức khỏe con người ngày càng nâng lên nhờ ăn uống, tập thể dục… nên nhu cầu tình dục, khả năng tình dục và tuổi thọ của người già cũng được kéo dài. Điều này khiến cho các cụ muốn có một người bạn để chia sẻ
Theo ông Đinh Đoàn, về mặt pháp luật, đạo đức thì chuyện “đi bước nữa” ở người già không vi phạm. Cũng không ảnh hưởng gì đến danh tiếng, hay làm “xấu mặt” con cháu. Bởi tình yêu của người già, đôi khi có tình dục, nhưng đôi khi chỉ là nhu cầu được chăm sóc. Mục đích lớn nhất của hai người khi lập gia đình là tạo dựng đời sống tinh thần để nâng cao chất lượng sống. Vì vậy, con cháu hãy nhìn ở mặt tích cực để mang lại cho cha (mẹ) niềm vui. Đây cũng là cách báo hiếu với cha (mẹ).
Nếu khuyên can phải lựa thời điểm
Cũng theo nhà tâm lý Đinh Đoàn, mặc dù khuyến khích các cụ đi “bước nữa” nhưng con cháu cũng phải có trách nhiệm tìm hiểu “nửa kia” giúp cha (mẹ) bởi với những người già có điều kiện về kinh tế rất dễ bị “nửa còn lại” săn đón với mục đích “moi của” chứ không xuất phát bởi tình cảm. Trong trường hợp này, con cháu nên khuyên can, nhưng phải chọn đúng thời điểm tác động, bởi khi các cụ đang “say” thì rất khó khuyên can. Cũng không nên tự mình khuyên mà hãy tìm những người cùng lứa với cha (mẹ) tác động
PGS.TS Văn Thị Kim Cúc – Giám đốc Trung tâm tâm lý Ngàn Phố lại cho rằng, mặc dù người già “đi bước nữa” hiện đã được xã hội thừa nhận, nhưng chỉ nên “đi bước nữa” khi có sự đồng thuận của con cháu, nếu không tình cảm của các cụ sẽ dễ bị tan vỡ do không chịu được tác động của “điều tiếng” xung quanh. Trong trường hợp nếu người mới đến không được nửa kia đùm bọc, san sẻ thì chuyện tình của các cụ càng dễ đổ vỡ.
Bà cho rằng, xét về nhu cầu tâm lý, tình cảm, bắt đầu từ lứa tuổi trưởng thành, ai cũng có nhu cầu cuộc sống lứa đôi, người già cũng vậy. Cuộc sống lứa đôi của người già lúc này nghiêng về cuộc sống tâm lý thực tại và cụ thể, thể hiện qua sự ở gần bên, hỏi han, chăm sóc, điều mà con cháu dù hiếu thảo đến đâu cũng chỉ đáp ứng được phần nào mà thôi, đúng như các cụ ta nói “Con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Nếu lứa đôi này phù hợp về nhiều mặt (tình cảm, tính cách, sự thấu hiểu, thông cảm, tuổi tác, nền tảng văn hóa, sự đồng thuận của con cháu,…) thì người già sẽ cảm thấy hạnh phúc, khỏe ra, trẻ ra và lúc này người già không những sẽ không là gánh nặng cho con cháu mà còn phát huy được rất nhiều tiềm năng của mình, giúp ích thêm được nhiều cho con cháu”.
Cũng theo PGS.TS Kim Cúc, đa số sự phản đối trong chuyện “đi bước nữa” ở người già xuất phát từ những người ở nông thôn bởi họ vẫn nặng về tâm lý dòng họ, vai trên vế dưới… Để người nông thôn chấp nhận chuyện này, PGS.TS Kim Cúc cho rằng cần để họ có thời gian cọ xát với những hình ảnh quen thuộc của các cặp vợ chồng tái hôn khi tuổi cao vẫn sống hạnh phúc.
Người già sẽ sống thu mình khi bị con cháu phản đối
Chuyên gia tư vấn tâm lý Mã Ngọc Thể cho rằng, con cháu phản đối cha (mẹ) mình “đi bước nữa” một phần là do sự ích kỷ. Họ lo sợ, cha (mẹ) sẽ mang tài sản gia đình đi cho người khác. Nhiều người lại nghĩ rằng khi cha hoặc mẹ có người bạn đời mới họ phải quan tâm chăm sóc một người xa lạ không phải là cha mẹ mình.
Khi nhu cầu tình cảm của các bậc cha (mẹ) về già muốn “đi bước nữa” bị con cái phản đối sẽ tạo ra sự thất vọng rất lớn ở người già. Họ sẽ có xu hướng thu mình lại, không vui vẻ với con cháu hoặc là mất niềm tin vào các con. Các cụ cảm thấy sự cô đơn, lạc lõng giữa những người thân yêu của mình.
Phương Thuận - Võ Thu
(GiadinNET)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét