(Tư vấn Khai Tâm) Khi bị chê bai, phê bình, bạn phản ứng thế nào? Nóng mặt, tức giận, muốn trả đũa ngay tức khắc hay im lặng, làm thinh và cho qua mọi chuyện?
Trong công việc và cuộc sống, bạn có thể hứng chịu những lời đàm tiếu, nhận xét không hay từ bạn bè, đồng nghiệp. Không những vậy, kể cả những người không biết bạn và chưa từng gặp bạn vẫn hùa theo đám đông chỉ để thực hiện điều duy nhất: ném đá.
“Thái độ phản ứng trước những lời chỉ trích đó sẽ chứng tỏ bạn là người có bản lĩnh hay không”, chuyên gia tâm lý Huỳnh Văn Sơn, đại học Sư phạm TP. HCM, cho biết. Hiển nhiên, ai cũng muốn chứng tỏ cái tôi mạnh mẽ của mình. Vậy làm sao để: “Dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”?
Eleanor Roosevelt, cựu đệ nhất phu nhân Mỹ từng nói: “Không một ai có thể làm cho bạn cảm thấy mình thấp kém nếu không có sự đồng ý của bạn”.
Chuyện không của riêng ai
Thử đặt mình vào tình huống: Bạn là một ca sĩ nổi tiếng, luôn cố gắng nỗ lực để làm vừa lòng công chúng. Tuy nhiên, một người nhạc sĩ thuộc hàng bậc thầy trong nghề nói rằng giọng hát của bạn chỉ thuộc hàng ca sĩ loại C.
Bạn đặt mình trong vai tác giả trẻ vừa cho ra mắt sách, nhưng lại bị đám đông công kích và phê bình tác phẩm của bạn. Bao nhiêu công sức đầu tư cho “đứa con tinh thần” bỗng chốc như đổ sông, đổ biển chỉ vì vài lời nói tiêu cực. Là nhân vật trong hai tình huống này, bạn sẽ phản ứng ra sao?
Tức giận, muốn trả đũa ngay tức khắc là những diễn biến tâm lý thường thấy ở bất kỳ ai khi bị phê bình. Trong công việc, hẳn bạn từng trải qua nhiều thăng trầm như gặp phải đồng nghiệp hay soi mói, luôn chê bai và bắt bẻ người khác khi có cơ hội, cấp trên luôn có những nhận xét thiếu tế nhị và phê bình trước mặt nhiều người.
Phân tích lời phê bình
Theo chuyên gia tâm lý Huỳnh Văn Sơn, có hai dạng phê bình: Một là mang tính xây dựng, góp ý giúp bạn hoàn thiện hơn. Hai là dạng đả kích theo chiều hướng tiêu cực. Những lời góp ý mang tính công kích sẽ chiếm đầy tâm trí, khiến bạn tổn thương và trở nên giận dữ.
Khi bị cấp trên khiển trách: “Làm sao cô có thể gây ra một sai lầm tệ hại như vậy? Cô đang nghĩ gì thế? Tôi không trả tiền thuê cô làm việc để kết quả như thế này!”. Khi tiếp nhận những lời nói dạng này, chẳng cần biết nó có tính góp ý hay tiêu cực, phản ứng đầu tiên của bạn sẽ là giận dữ và bức xúc.
Bạn tự nhủ rằng vẫn có cách tốt hơn, ví dụ như câu: “Dù biết em đã rất cố gắng, nhưng tôi mong em hoàn thành công việc tốt hơn nữa”. Đây cũng là một lời phê bình, nhưng nó lại mang tính góp ý, xây dựng, làm bạn cảm thấy hài lòng và chấp nhận với thái độ lạc quan, vui vẻ.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là không phải lúc nào bạn cũng nhận được những góp ý với cảm giác dễ chịu như trường hợp thứ hai. Nếu nhận được phản hồi tiêu cực, trước tiên, bạn cần xác định được ý nghĩa thực sự của những thông điệp đó.
Sau đó, bạn nên xác minh xem chính xác điều gì của bạn đã làm người khác không hài lòng. Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng, vài người chỉ muốn nói sự thật để góp ý nhưng đôi khi lời nói không khéo dễ khiến bạn tổn thương.
Nếu nguyên nhân chỉ thuộc về vấn đề nhân cách, họ là kiểu người thích “ném đá”, bạn nên xem đó là lời nói thoảng gió bay và nhanh chóng quay trở lại công việc của mình. Điều quan trọng hơn cả, bạn đã lắng nghe, đã thể hiện thiện chí và bản lĩnh chuyên nghiệp. Đừng bao giờ hành động theo suy nghĩ chủ quan!
Cơn giận dữ dưới lăng kính khoa học
“Khi bị chỉ trích, cách hành xử tốt nhất là im lặng lắng nghe, vì nếu phản ứng ngay thời điểm cao trào, bạn có thể thốt ra những lời không kiểm soát, ảnh hưởng đến công việc cũng như các mối quan hệ xã hội”, chuyên gia tâm lý Mã Ngọc Thể, đại học Sư Phạm TP. HCM, cho biết.
Giận quá mất khôn
Theo bác sĩ Huỳnh Hồng Châu, chuyên khoa ngoại Thần kinh, Bệnh viện FV, TP.HCM, khi cơn giận bốc lên, các vùng thùy não trước trán, nơi kiểm soát suy luận sẽ khép lại. Thay vào đó, vùng thùy sau sẽ được kích hoạt. Sự thay đổi này khiến bạn thốt ra những lời nói không hay.
Về mặt sức khỏe, phần bán cầu não trái bị kích thích hơn hết. Các hormone ở não và mạch máu tim mạch cũng bị kích thích. Lúc này, lượng cholesterol cùng một nhóm các chất hóa học catecholamines, chất gây tích tụ mỡ, sẽ xuất hiện và gia tăng trong tim.
Vì vậy, người hay nổi nóng dễ có nguy cơ bị tim mạch cao gấp 3 lần so với người biết kiềm chế và giải tỏa cơn giận. Phản ứng chống trả kích thích hệ thần kinh, làm ách tắc sự tuần hoàn máu đến bao tử và chuyển hướng đến các cơ, gây nên các co thắt ở hệ tiêu hóa và ruột. Lúc này, hormone căng thẳng gia tăng, tăng axít dạ dày và gây nên một số vấn đề về da như nổi mụn.
Biến tiêu cực thành tích cực
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Ngọc, giảng viên bộ môn tâm lý, trường đại học Sài Gòn, cho biết: “Bạn cần thoát khỏi cảm giác tự ái thay vì để những lời nói nặng nề đó “bóp nát” tâm trí”.
Một trong những cách để bạn vững lòng trước kiểu người tiểu tiết hay vạch lá tìm sâu đó là bình tĩnh và tự tin. Eleanor Roosevelt, cựu đệ nhất phu nhân Mỹ từng nói: “Không một ai có thể làm cho bạn cảm thấy mình thấp kém nếu không có sự đồng ý của bạn”.
Trước hết, bạn cần hiểu rõ thế mạnh của mình. Việc nhận ra các ưu điểm của bản thân sẽ giúp bạn củng cố sự tự tin, đập tan những e dè khi tiếp xúc với môi trường xung quanh.
Chọn các công việc thuộc sở trường sẽ giúp tăng thêm năng lượng và niềm phấn khởi cho bạn. Đừng quên “đầu tư” vào những mối quan hệ, tìm cho mình đồng minh hỗ trợ trong công việc. Không chỉ chia sẻ kiến thức, thông tin, kinh nghiệm, họ còn trở thành điểm tựa cho bạn khi bạn rơi vào vòng xoáy của hành động ném đá hội đồng.
Bạn có thể xem lời chê bai, phê bình là một thử thách và đừng ngại cho mình thời gian để chứng minh năng lực. Trong công việc, bạn nên tạo thế chủ động bằng cách tự tạo cơ hội để thể hiện bản thân, chẳng hạn khi cấp trên yêu cầu bạn làm một công việc trái với chuyên môn, bạn khoan tạo rào cản bằng phản ứng thường thấy như: “Đó không phải là chuyên môn của tôi”, thay vào đó, bạn nên nói: “Để tôi thử”.
Nếu hiểu tường tận rằng thái độ tức giận sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe bản thân, bạn sẽ biết cách biến mình thành người bản lĩnh để vượt qua lời chỉ trích của người khác.
Thông tin độc quyền từ Tạp chí Women's Health
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét