Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2020

Dùng người tài trẻ – một “tiêu chí” của người lãnh đạo


(Tư vấn Khai Tâm) Bởi thế mới thấy “chất xám” luôn đứng ở cung “thiên di”, từ các cơ quan, các công ty nhà nước, “di trú” đến các công ty hay tập đoàn tư nhân.Đây là một bài học và liệu có ý nghĩa gì không đối với công việc tuyển chọn người lãnh đạo, mà ngành GD và ĐT đang gắng có những cải tiến?

Ngành giáo dục và đào tạo đang có những động thái mới đáng chú ý trong việc tuyển chọn người lãnh đạo từ cấp cơ sở đến cấp vĩ mô. Đó là việc thi tuyển chức danh trưởng phòng GD và ĐT cấp quận, thi tuyển chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường trung học phổ thông, và gần đây là trưng cầu ứng viên cho chức thứ trưởng GD và ĐT.Những người tuổi trẻ, tài cao

Còn ở trên thế giới, cụ thể là nước Mỹ, mới đây, báo chí thông tin về chuyện bước chân vào Nhà Trắng, tổng thống Mỹ Barack Obama đã mang theo những người giúp việc rất trẻ. Điều đó cho thấy quyết tâm của ông trong việc thay đổi nước Mỹ. Trong những người trẻ, có hai người thật đặc biệt.




Nhóm Truyền thông của Tổng thống Obama, từ trái qua: Ellen Moran - Giám đốc truyền thông, Dan Pfeiffer - Phó GĐ Truyền thông, John Favreau - Giám đốc Bộ phận viết diễn văn, Robert Gibbs - Thư ký báo chí của Nhà Trắng (Ảnh: Vanityfair.com)

Người thứ nhất là Jonathan Favreau, 27 tuổi, mới tốt nghiệp đại học và là người viết diễn văn cho Thượng nghị sỹ Obama từ năm 2005. Chính Jonathan Favreau đã viết các bài diễn văn “rất trọng lượng”, sâu sắc và gây ấn tượng đặc biệt trong quá trình Obama vận động tranh cử, cũng như diễn văn nhậm chức của tổng thống Obama. Hiện anh đang là Giám đốc Bộ phận viết diễn văn cho tổng thống, một vị trí quan trọng tại Nhà Trắng. 

Diễn văn chính là phát ngôn của tổng thống, là thông điệp mà người đại diện cấp cao nhất của chính phủ gửi tới đất nước mình, tới nhân dân của mình và cho cả thế giới. Một diễn văn trí tuệ sâu sắc, có lòng nhiệt huyết thật sự vì cái chung, có tính nhân văn sẽ kêu gọi và tập hợp được quần chúng. 

Còn những diễn văn sáo mòn, tẻ nhạt, chung chung, để tìm chốn “an toàn” chỉ mang lại sự mệt mỏi, hình thức và không thể có sức lôi cuốn lòng người. Một diễn văn như diễn văn nhậm chức của Obama cho thấy năng lực tư duy, tầm chiến lược và khát vọng của người lãnh đạo. Và Obama đã truyền được ngọn lửa yêu nước Mỹ, ý chí “thay đổi và sáng tạo lại nước Mỹ” tới toàn dân tộc Mỹ. 

Những bài diễn văn trong suốt quá trình tranh cử hai năm trời của tổng thống Obama làm rung động, quyến rũ người Mỹ và biết bao người trên thế giới lại được viết bởi một người trẻ, mới 27 tuổi. Chao ôi, câu chuyện của một tổng thống cũng vào loại trẻ tuổi ở một cường quốc dám dùng người tài trẻ tuổi như thế, khiến người viết bài này, vừa bị phấn khích vừa thấy rất buồn. Nói đông nói tây thì cuối cùng là để nói về chính chúng ta. Việt Nam: Những người trẻ là những "cậu bé"




Nhóm giảng viên trẻ và cán bộ trẻ khoa sinh Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) tại phòng thí nghiệm nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Với những người 27 tuổi ở Việt Nam thì trong mắt hầu hết những nhà quản lý hay tổ chức chỉ là mấy “cậu bé”. Ở bất kỳ một ngành nào, trong đó không loại trừ ngành GD và ĐT, trong các trường đại học, viện nghiên cứu đều có thể có hiện tượng này. 

Có những cán bộ rất có năng lực và trách nhiệm với công việc, được mọi người trong cơ quan đánh giá cao và quý trọng, nhưng mỗi lần bỏ phiếu tín nhiệm, bổ nhiệm họ thì không ít ông thủ trưởng lại nói: “Đồng chí ấy có năng lực và kỷ luật nhưng còn trẻ cần được thử thách thêm”....Thời gian cứ trôi đi, sự thử thách cứ kéo dài...Ngoảnh đi ngoảnh lại, thật hài hước, trong số những người ấy, có người tuổi đã trên 45 tuổi mà vẫn còn được coi là “trẻ”. 

Cụm từ: “Còn trẻ cần được thử thách thêm” đã trở thành khẩu ngữ của nhiều người lãnh đạo cơ quan khi không muốn dùng, hay “sợ dùng” những người tuổi còn trẻ mà đã tỏ ra có năng lực. Tuy mấy năm trở lại đây, hiện tượng này đã được cải thiện nhưng chỉ là muối bỏ bể mà thôi. 

Tại sao người ta lại không dám nghe sự thật trong tâm hồn và trí tuệ của những người trẻ? Tại sao người ta lại không dám giao phó sứ mệnh cho những người trẻ nhưng có tài có đức, mà lại chỉ dám dùng những người biết bảo sao nghe vậy, biết săn đón, biết đoán ý thủ trưởng kiểu “người tung kẻ hứng”? Hỏi vậy nhưng tôi biết ai cũng trả lời được và trả lời đúng. 

Bổ nhiệm... ngoài chuyện công việc 

Người trẻ thứ hai của Nhà Trắng là cô Alejandra (Ali) Campoverdi, một cô gái rất trẻ và đẹp. Vị trí của cô tại Nhà Trắng là trợ lý cho Phó Giám đốc Nhân sự của Tổng thống Obama - một vị trí vô cùng quan trọng. Việc cô Alejandra (Ali) Campoverdi còn ít tuổi hơn cả Jonathan Favreau nhưng lại làm trợ lý nhân sự của Nhà Trắng thì đối với người Việt Nam khó tưởng tượng nổi. 

Tổ chức nhân sự mà chúng ta thường gọi là tổ chức cán bộ- bộ phận có tầm quan trọng đặc biệt. Những người làm công việc này phải là những người rất hiểu biết về con người, công bằng, vì lợi ích chung… Còn nếu chỉ vì lợi ích cá nhân, vì tư lợi, gây phe cánh thì rút cục người ta chỉ đưa vào những vị trí quan trọng của một cơ quan, một tổ chức… những người không xứng đáng, không có cả tài lẫn đức. Vì sự trong sáng, công bằng và vì lợi ích chung, Obama lựa chọn những người rất trẻ hoặc những cô gái xinh đẹp nhưng thực sự có tài giúp việc cho mình mà không sợ bất cứ dị nghị nào.

Ở Việt Nam thì sao? Nếu một ông thủ trưởng hay một ông giám đốc chọn một người giúp việc xinh đẹp thì ngay lập tức người ta nghĩ đến những điều không bình thường. Tại sao lại có tình cảnh đáng buồn này? Vì đó là những ý nghĩ không thiện chí và vì hiện thực ở nước ta lâu nay cho thấy mối quan hệ giữa ông thủ trưởng hay giám đốc với một trợ lý, hay một thư ký là một cô gái xinh đẹp thường không trong sáng cho lắm. Nói đúng hơn, nó chẳng liên quan gì tới công việc cả… 

Nghĩa là việc chọn lựa người giúp việc ở không ít cơ quan, tổ chức, trường học hay là việc bổ nhiệm của chúng ta, quả thực có nhiều trường hợp không vì lợi ích chung của cơ quan, lĩnh vực, của nhà trường, không vì sự thực chất của con người mà là vì những lý do bên ngoài. "Chất xám" đứng ở cung "thiên di"




Trí tuệ là tài sản lớn nhất
(Ảnh minh hoạ: unicom.com.vn)
Mới đây, Steve Chang người được mệnh danh là Bill Gates châu Á đã cất công tìm kiếm nhân tài cho công ty của ông. Bởi ông hiểu rõ một chân lý muôn thuở: Trí tuệ là tài sản lớn nhất. Chúng ta cũng có nói đến việc sử dụng nhân tài nhưng dường như cũng chỉ nói cho “có vẻ” mà thôi.

Có nhiều không một ông (bà) thủ trưởng một cơ quan, một đơn vị trường học ở VN lại có một chiến lược săn lùng những người tài cho cơ quan mình? Ngoại trừ những công ty hay những tập đoàn tư nhân vì lợi ích của công ty hay tập đoàn là lợi ích của chính cá nhân họ. 

Bởi thế, mới thấy “chất xám” luôn đứng ở cung “thiên di”, từ các cơ quan, các công ty nhà nước, “di trú” đến các công ty hay tập đoàn tư nhân. Đây là một bài học và liệu có ý nghĩa gì không đối với công việc tuyển chọn người lãnh đạo, mà ngành GD và ĐT đang gắng có những cải tiến. 

Biết dùng người tài và dám dùng người tài trẻ là một phẩm chất đặc biệt, thậm chí coi như một “tiêu chí” của người lãnh đạo các ngành, các cấp, trong đó có ngành GD, phản chiếu tư duy trẻ của người lãnh đạo đó, trước hết vì lợi ích chung. Một khi chúng ta không thực sự thấy cấp thiết trong việc săn lùng và sử dụng người trẻ có tài có đức, vẫn còn đầy định kiến về người trẻ, cũng là vô hình chung chúng ta đã “lão hóa” tư duy của dân tộc và kéo cả dân tộc đi chậm lại trên hành trình hội nhập.

Thông tin chi tiết có thể tham khảo tại 
Trung tâm tư vấn tâm lý và Giáo dục phát triển cộng đồng Khai Tâm.
Địa chỉ số 133-135 đường Bến phà cũ, tổ 4 phường Nông tiến, TP Tuyên Quang
Email. drkhaitam@gmail.com
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN 1900.88.66.83

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét