Thứ Bảy, 1 tháng 2, 2020

7 nguyên tắc vàng trong dạy kỹ năng sống

(Tư vấn Khai Tâm) Ai cũng hiểu sự quan trọng của kỹ năng sống, nhưng dạy như thế nào lại là câu hỏi mà không nhiều người trả lời được.

Dưới đây là 7 nguyên tắc vàng cần biết giúp trẻ phát triển thành một người có đầy đủ kỹ năng sống. 

1. Không quá cưng chiều trẻ

Cha mẹ nào cũng yêu thương và muốn dành cho con những điều tốt đẹp nhất, ngay cả việc chiều con làm theo ý thích mọi nơi mọi lúc ở mọi việc. Nhưng trẻ em sống theo bản năng nhiều hơn vì chúng chưa được dạy bảo về cách sống, thế nào là tốt, thế nào là chưa tốt, vì vậy mà nếu các vị phụ huynh dễ dãi với con như sự độ lượng, khoan hồng với lỗi lầm, hạ thấp kỳ vọng vào bé, hoặc được bao quanh bởi vật chất dư thừa thì sẽ khiến đứa trẻ lớn lên với tính cách yếu mềm, đòi hỏi, thậm chí độc đoán hoặc ích kỷ. Vô hình trung lại làm con thiếu hụt kỹ năng sống trầm trọng.

2. Không can thiệp quá nhiều vào không gian của con

Cha mẹ cần có thời gian ưu tiên cho con nhưng không có nghĩa là phải hi sinh tất cả công việc, sở thích của mình để chăm chăm tập trung can thiệp vào mọi lĩnh vực trong đời sống cá nhân của bé. Việc quan tâm và giành thời gian cho con cũng không phải là để làm hộ bài tập ở nhà, lựa chọn giúp con bạn cùng chơi hay lựa chọn sở thích thể thao hoặc giải trí cho con. Nếu làm như vậy, chính ba mẹ đã làm cho con trở thành người phụ thuộc, sống ký sinh vào cha mẹ, trong khi bản năng của con ngay từ khi lên 2 đã muốn khẳng định sự tự lập của mình.

3. Dạy con theo đúng độ tuổi

Mỗi độ tuổi khác nhau sẽ có tác động lên hành vi của trẻ. Khi bé lên 3, con nên được học sự tự lập bằng cách tự làm vệ sinh cá nhân, tự ăn và mặc quần áo... Nhưng khi bước vào tuổi 13, tuổi tò mò, tìm kiếm và phát hiện, con nên được dạy về phát triển trí tuệ, sự hiểu biết bằng cách tìm đọc những cuốn sách hay, nói chuyện hay tranh luận ở bàn ăn tối. Để con tuân theo quy luật phát triển tự nhiên cũng là cách con được học kỹ năng sống theo đúng lứa tuổi với những trải nghiệm thực tế nhất.

4. Cho con được tự lập

Việc đưa ra các giới hạn giúp trẻ phát triển khả năng, tự kiểm soát, tự chịu trách nhiệm là việc nên làm để khuyến khích sự độc lập giúp bé phát triển khả năng tự định hướng. Để thành công trong cuộc sống, trẻ sẽ cần cả hai điều này. Nhiều phụ huynh nhầm lẫn sự độc lập của con với sự nổi loạn hay bất tuân. Trẻ cần được tự lập vì đó là một phần của bản chất con người muốn được tự kiểm soát hơn là cảm thấy bị chi phối bởi người khác.

5. Tránh kỷ luật quá hà khắc

Không bao giờ nên sử dụng vũ lực với con dưới bất kỳ hoàn cảnh nào. Điều này trên thực tế là thử thách rất lớn cho nhiều cha mẹ, nhưng là một trong những cách dạy con kỹ năng sống tốt, đây là điều phụ huynh nên cố gắng. Những đứa trẻ bị đánh đập thường có xu hướng thích gây gổ với những bạn khác. Trẻ có thể trở thành kẻ bắt nạt và sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề. Việc cha mẹ hạn chế tối đa việc sử dụng vũ lực sẽ khiến con cảm nhận được tình yêu thương, làm cho con trưởng thành với những suy nghĩ chín chắn hơn là do cha mẹ ép buộc. Có rất nhiều những hình phạt ngoài đòn roi như không cho con chơi trò mình thích nếu con hư hoặc phạt con đứng một góc không được nói chuyện...

6. Hãy tôn trọng trẻ

Cách tốt nhất để nhận được sự đối xử tôn trọng từ con là chính cha mẹ cũng phải tôn trọng trẻ. Bạn nên có thái độ với bé tương tự như những người lớn xung quanh. Nói với con một cách lịch sự, tôn trọng ý kiến của trẻ, chú ý lắng nghe khi bé trao đổi với bạn... Cách mà cha mẹ đối xử tôn trọng với con chính là nền tảng cho những mối quan hệ của trẻ với người khác sau này. Bé sẽ biết tôn trọng người khác đồng thời cũng yêu cầu người khác phải tôn trọng mình.

7. Xây dựng hành động của bản thân đúng đắn

Đừng chỉ uốn nắn con làm những điều đúng đắn mà bản thân vẫn hành động trái ngược. Những hành động mà bố mẹ thể hiện, những việc làm hàng ngày, thái độ với mọi vấn đề đều có tác động mạnh tới nhận thức của trẻ. Chúng ta thường nghĩ rằng những hành động nhỏ nhất của bố mẹ chẳng ảnh hưởng gì tới con trong khi trẻ luôn dõi theo và bắt chước người lớn.
Dạy kỹ năng sống cho trẻ luôn là điều không dễ dàng khi sự hiếu động và tính bản năng của trẻ rất lớn. Có rất nhiều phương pháp hay mà cha mẹ có thể tiếp cận, song 7 nguyên tắc trên là những nguyên tắc quan trọng và nền tảng nhất để cha mẹ giúp trẻ có được những kỹ năng sống cần thiết gắn liền với cuộc sống hàng ngày.

Theo Vietnamnet.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét