Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2020

Mẹo giúp trẻ tránh bị sốc tâm lý trong lần đầu tiên đến trường

(Tư vấn Khai Tâm)Trẻ bước vào lớp 1, chuyển từ giai đoạn mầm non chủ yếu là chơi sang học chữ, làm toán, theo khuôn phép và nội quy của nhà trường… Thế nên, nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng con dễ bị “sốc”, không hòa nhập với môi trường học mới.


Dễ “sốc” vì thay đổi môi trường

Năm nay, con chính thức bước vào lớp 1, chị Thúy Anh (KTT Thanh Xuân Bắc, Hà Nội) không khỏi lo lắng. Chị bảo: “Hôm rồi cho con tới trường làm thủ tục nhập học mà thấy nản luôn. Lúc đầu con rất hào hứng vào trường, nhưng khi nhận lớp, phải ngồi im tại bàn, không được nói chuyện, làm việc riêng thì mặt cứ xị ra, cứ ngó sang mẹ ở ngoài cửa lớp. Ở nhà cũng thế, dạy con làm quen con số, chữ cái mà con không tập trung, động cái là khóc mếu… vợ chồng tôi lo quá, không biết ít nữa đi học có thế này không”.
Cùng tâm trạng, chị Thùy Dương (Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính, Hà Nội) có con năm nay vào lớp 1, cho biết: “Cũng rất lo cho con khi vào lớp 1 sẽ chưa làm quen được với môi trường học mới, bị các bạn mới bắt nạt, không theo kịp chương trình… nhiều chị ở cơ quan cũng khuyên là cho con đi học trước, để khi vào năm học sẽ không bị bỡ ngỡ vì học nặng. Tôi cũng đã thử cho con đi học ở nhà một giáo viên, nhưng học được 3 buổi thì con nhất định không đi, sáng ra khóc quấy, đòi ở nhà. Mà ở nhà thì cũng không học được, hơi tí là đòi uống nước, đi vệ sinh”.
Mẹo giúp trẻ tránh bị sốc tâm lý trong lần đâu tiên đến trường
Không riêng gì các chị Thúy Anh, Thùy Dương, rất nhiều phụ huynh cócon vào lớp 1 năm nay cũng đang trong tình trạng lo lắng, sốt ruột bởi giai đoạn chuyển giao giữa chương trình mầm non và tiểu học. Con đang quen với dậy muộn, được cô giáo cưng chiều, nay lại bị gò vào môi trường mới học nhiều, chơi ít, tuân thủ các nội quy, đặc biệt là phải tự lo chuyện cá nhân khi ở trường. Trên thực tế, đã có nhiều trẻ bị “sốc”, không muốn đi học khi bắt đầu vào giai đoạn học lớp 1.
Chuyên gia tâm lý Mã Ngọc Thể – Giảng viên Khoa Tâm lí (ĐH Tân Trào), chuyên gia tham vấn giáo dục cho biết, ở bậc mầm non, trẻ đã được cô dạy một số thứ sinh hoạt như tự đi lấy nước uống, tự đi vệ sinh, phải ngủ vào buổi trưa, được giao lưu, chơi với các bạn… Giai đoạn này trẻ không được học chữ, đến trường chủ yếu vui chơi là chính. Sang giai đoạn học tiểu học, nếu bố mẹ bắt ép học, quên rằng con mới chuyển sang môi trường hoàn toàn mới sẽ chỉ khiến trẻ sợ đi học, mất hứng thú học tập, ảnh hưởng tới tâm lí.

Đồng hành với con

Cũng theo chuyên gia Mã Ngọc Thể: Giai đoạn trẻ 6 tuổi, trí não có phát triển hơn, nhưng bước vào lớp 1 nếu phụ huynh không quan tâm đến con, tạo áp lực học tập lên con dễ khiến trẻ bị căng thẳng, hoảng sợ, không muốn học tập. Thay vì bắt ép học tập, hãy cho bé làm quen dần với con số, mặt chữ.Trẻ vào lớp 1 là bước vào khuôn khổ, học tập các môn học. Chuyển từ chơi sang học, bố mẹ cần dành nhiều thời gian cho con hơn, cho con được chơi, có được tâm lí ổn định và thoải mái, dần dần con sẽ quen và đi vào nề nếp học tập”.
Chuyên gia Ngọc Thể phân tích, bước vào lớp 1, các em có nhanh chóng làm quen với lớp học bán trú hay không, điều này phụ thuộc rất nhiều vào thái độ của giáo viên. Các cô giáo để cho trẻ tự lập sẽ khiến trẻ e dè, sợ hãi tăng lên, không giao tiếp tự nhiên được, trẻ vì sợ hãi mà không dám phát biểu, không dám xin phép để làm các công việc nhu cầu cá nhân… Do đó, sự cởi mở của các cô giáo sẽ giúp trẻ hòa nhập nhanh hơn.
Hãy đồng hành cùng con
Đó là nhắn nhủ của TS. Vũ Thu Hương, Khoa Giáo dục Tiểu học (ĐH Sư phạm Hà Nội) tới các bậc phụ huynh. Theo TS Vũ Thu Hương: “Trẻ vào lớp 1, phụ huynh cần đưa con đến trường tiểu học trước để con làm quen với ngôi trường, với các đồ dùng học tập và môi trường mới. Hãy kể cho con nghe về trường lớp, trong đó có sự khác biệt giữa mầm non và tiểu học, để con có sự chuẩn bị từ trước khi vào lớp. Trong ngày đi học đầu tiên, phụ huynh hãy tạo cho ngày đó như một ngày hội, để con háo hức đến trường. Bên cạnh đó, phụ huynh nên cùng con lập kế hoạch mua sắm đồ dùng học tập. Cùng con sắp xếp bàn học, bọc vở, dán nhãn… Công việc này sẽ tạo cho trẻ thêm háo hức được đến trường”.
Theo một số giáo viên tiểu học, dù một số trẻ chưa làm quen khi vào lớp 1, nhưng phụ huynh cũng đừng quá căng thẳng, lo lắng. Thời gian trẻ vào lớp 1 rất cần sự quan tâm, phối hợp giữa phụ huynh và giáo viên. Nếu trẻ có biểu hiện căng thẳng ở trường học, phụ huynh cùng với giáo viên cần tìm hiểu xem trẻ thích và không thích gì ở trường. Động viên, khuyến khích trẻ nói ra các suy nghĩ. Phụ huynh cùng giáo viên hãy hướng các em tới các hoạt động mà các em thích thú và tìm cách khiến trẻ dần thay đổi điều không thích.
Hiện nay, rất nhiều phụ huynh đang cho con đi học thêm, học trước vào lớp 1, chuyên gia Mã Ngọc Thể đưa ra lời khuyên: “Một bộ phận phụ huynh hiện nay dễ chạy theo phong trào. Các giáo viên vì sức ép cuộc sống mà tăng cường dạy kiến thức, dạy thêm. Dẫn đến trẻ phải đọc, viết và làm toán quá nhiều. Vô tình tạo sức ép cho phụ huynh, dẫn đến đi học thêm, gây căng thẳng, mệt mỏi cho trẻ”.


Theo Giadinh.net.vn

Tình dục trước hôn nhân, nữ sinh mất khả năng làm mẹ

(Tư vấn Khai Tâm) Chưa đủ sức có được chiếc "chìa khóa mở cánh cửa an toàn" bước vào thế giới tình dục, nhiều bạn trẻ vẫn... liều.


Vội vàng

Đêm hoảng loạn đó xảy ra cách đây 2 năm, khi N.T.G (25 tuổi) còn đang là sinh viên đại học. Khoảng 1h đêm, cô đột nhiên lên cơn đau bụng dữ dội. Các bạn cùng phòng ký túc vội vã gọi cho Q. (người yêu của G.) để đưa cô vào viện cấp cứu.
G. vẫn nhớ như in những lời mắng xối xả của cô y tá rằng G. có biết “đã mang thai hai tháng mà thai đã chết lưu hơn một tuần không”, rằng cô “có thích chết không mà để đến bây giờ”... Khoảnh khắc đó chưa bao giờ thôi ám ảnh G.

Sau khi sự việc đau lòng xảy ra, G. thật sự hối hận bởi cô và Q. có thể đã quá vội vàng. Vào tối “nếm trái cấm” đó, Q. đến đón G. tới một nhà nghỉ khá xa khu ký túc xá. 

Đáng buồn thay, mặc dù đã sẵn sàng cho thời điểm “là của nhau” nhưng cả hai lại không hề suy tính đến chuyện phòng tránh có “sản phẩm” sau này.

Khi G. biết mình có thai, cả cô và Q. cứ chìm trong sự sợ hãi và nấn ná không đưa ra được bất cứ giải pháp nào. Khi cái thai được hơn 2 tháng, một lần Q. chở G. đi chơi đã bị ngã xe máy...

Vì thiếu hiểu biết về tình dục an toàn mà đi vào “vết xe đổ” như N.T.G còn có T.H.M (quê gốc Hải Phòng, đang là sinh viên năm thứ 3 đại học Hà Nội).

Lắng nghe câu chuyện buồn của cô gái trẻ này không khỏi khiến người ta nhói lòng: “Em lại lên 2 vạch rồi… Em chẳng biết làm như thế nào bây giờ. Lần này đã là lần thứ 2 rồi. Khổ nỗi lần trước em lại bị chửa ngoài dạ con”.

T.H.M đang rơi vào tình huống tiến thoái lưỡng nan bởi bác sĩ khuyên cô nên giữ lại cái thai này, vì trường hợp của cô nếu đình chỉ thai rất dễ dẫn đến nguy cơ vô sinh. Trong khi đó, bạn trai của M. lại không muốn giữ.

Trên một diễn đàn dành cho giới trẻ, một cô gái 20 tuổi cũng chia sẻ câu chuyện “ăn cơm trước kẻng” rất đáng suy ngẫm. Tuy nhiên, cô gái này may mắn hơn N.T.G hay T.H.M bởi mẹ cô đã kịp thời biết chuyện.

Cô kể: “Hồi đó em mới học lớp 12 thôi. Lúc em đến siêu âm thì bác sĩ nói em bé đã được 7 tuần. Có hình thù, nhú chân tay rồi... Nhìn thấy thế mà em sợ quá, khóc òa lên. Các bác sĩ thấy em còn phân vân nhiều quá nên cho em dùng thuốc, về nhà thì uống.

Đêm hôm đó em nằm ôm mẹ vừa khóc vừa thủ thỉ. Mẹ em cũng sốc nặng nhưng cũng không có ý định bỏ con bỏ cháu, mặc dù bố em là con trưởng và cực nghiêm khắc. Rồi mẹ nói chuyện với bố. Sau cơn lôi đình thì bố bắt em gọi bạn trai (giờ đã là anh xã rồi) đến và “tháp tùng” cả hai đứa sang bên nhà anh ấy để nói chuyện cưới hỏi”.

"Mở cửa" khi chưa có "chìa khóa"

Số liệu khảo sát của Bộ Y tế vừa công bố cho thấy có 44% thanh niên và vị thành niên ở Việt Nam chấp nhận quan hệ tình dục trước hôn nhân, tỷ lệ chấp nhận ở nam giới cao hơn nữ giới. Những con số “biết nói” này phần nào chứng tỏ giới trẻ ngày càng suy nghĩ cởi mở hơn về tình yêu và tình dục.




Chuyên gia tâm lý Mã Ngọc Thể, nhận định: “Giới trẻ ngày nay có cách nghĩ khác hơn về tình dục rất nhiều so với các thệ hệ trước. Nhu cầu được hiểu biết về tình dục mang bản chất tự nhiên, cá nhân của từng người trẻ nhưng đang dần được phát triển thành nhu cầu của xã hội”.

Theo ông Mã Ngọc Thể, nguyên nhân khiến nhận thức của người trẻ thay đổi có thể vì tác động của môi trường sống hiện đại, không còn bị ràng buộc quá nhiều bởi các giá trị truyền thống, không gian bộc lộ cá tính của mỗi người ngày càng rộng mở, và đặc biệt là sự tiếp thu luồng văn hóa trên mạng internet.

Theo thống kê trên Google Trends, năm 2012, Việt Nam là nước xếp thứ 4 về lượng người tìm kiếm từ “sex” và các từ khóa liên quan.

Nhận thức cởi mở với tình dục sẽ tốt nếu nó giúp người trẻ chủ động trang bị những hiểu biết cơ bản và cần thiết về giới tính, mối quan hệ khác giới, tình yêu, hôn nhân, quan hệ tình dục an toàn… để tự bảo vệ mình trước những cám dỗ của xã hội, những phút nông nổi của chính bản thân. Tuy nhiên, trên thực tế không phải ai cũng nhìn nhận đúng đắn khái niệm “cởi mở” này.

Câu chuyện buồn của G. chính là một trong vô vàn bài học “nắn gân” những người trẻ. Thông tin quá dồi dào, tiếp cận quá dễ dàng khiến cho nhiều người trẻ ngộ nhận rằng họ đã bắt kịp thời đại, đã được nạp được một vốn kiến thức đủ để họ thông thạo về giới tính và tình dục.
 

Chỉ đến khi chuyện “động trời” xảy ra mới khiến nhiều người như G. ngã ngửa. Nói cách khác, khi vốn kiến thức chưa đủ để tạo thành chiếc chìa khóa mở cánh cửa an toàn bước vào thế giới tình dục, nhưng vì vội vàng nên họ phải gánh chịu hậu quả đáng tiếc.

Theo bác sĩ Lê Thị Kim Dung, phụ trách khoa sản Trung tâm Y tế Thái Hà (Hà Nội), trong khi tuổi quan hệ tình dục trung bình đang ngày càng trẻ hóa, có rất nhiều trường hợp quan hệ tình dục từ lúc 10-11 tuổi, thì công tác giáo dục sức khỏe sinh sản cho thanh thiếu niên vẫn "chạy không kịp" thời đại.

Thiếu hiểu biết về tình dục, sức khỏe sinh sản vẫn đang là tình trạng chung của giới trẻ. Và do thiếu hiểu biết nên những tai nạn là có thai ngoài ý muốn dẫn đến phải nạo phá thai, và những bệnh lây nhiễm qua đường tình dục không ngoại trừ HIV, vẫn thường xuyên xảy ra.

“Cả xã hội, gia đình, đặc biệt là ngành giáo dục cần phải triển khai vấn đề giáo dục tình dục cho con em ngay từ khi còn thơ bé. Để lớp trẻ có thể hiểu biết, nhận thức đúng và phòng tránh những tai nạn do quan hệ tình dục không an toàn gây ra. Nên thay đổi nhận thức từ lo sợ vẽ đường cho hươu chạy thành trang bị hiểu biết để hươu không chạy loạn xạ!”, bác sĩ Lê Thị Kim Dung bày tỏ.

Theo Thanh niên
.

Có nên cấm phẫu thuật thẩm mỹ trong các cuộc thi sắc đẹp?

(Tư vấn Khai Tâm) Venezuela việc phẫu thuật thẩm mỹ là một chuyện hoàn toàn được chấp nhận trong các cuộc thi hoa hậu… hoặc trường hợp của Jo Su Jin (Hàn Quốc) nhiều lần đăng ký tham gia thi sắc đẹp nhưng bị từ chối nên đã nhờ đến dao kéo sửa sang. Sau đó, cô giành giải Người đẹp ứng xử trong cuộc thi Miss Korea 2009.
Thời gian vừa qua, rất nhiều các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về việc người đẹp Phạm Thị Thùy Linh vi phạm quy chế khi phẫu thuật thẩm mỹ mũi. Điều này đã được BTC cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt 2010 quyết định rút danh hiệu Người đẹp Áo dài của Phạm Thị Thùy Linh và cô đã ký biên bản xác nhận cô từng chỉnh sửa mũi.
Tuy nhiên, lý do mà cô đưa ra để thanh minh cho việc phẫu thuật mũi là do tai nạn và đã cách đây đã 5 năm. Nhưng người đẹp này cũng bày tỏ qua các bài báo rằng việc phẫu thuật đó cô không biết và nó không phải là phẫu thuật thẩm mỹ cho nên cô vẫn đăng ký dự thi hoa hậu.
Dạo qua diễn đàn của các website chúng ta thấy, các thành viên của nhiều diễn đàn trao đổi ý kiến về sự việc trên của người đẹp Phạm Thị Thùy Linh và đa phần ý kiến cho rằng quy chế hiện nay của ta là “quá chặt” và đặt ra câu hỏi có nên cấm tuyệt đối phẫu thuật thẩm mỹ trong các cuộc thi hoa hậu?
Bạn anyones trên VnExpress.net cho rằng: “Hoa hậu là một cuộc thi để tìm kiếm và tôn vinh sắc đẹp, vì thế, tước đi danh hiệu của một con người có những tiêu chí hoàn toàn phù hợp với phương châm của cuộc thi Hoa hậu là một điều phi lý. Không thể viện lý do rằng sự can thiệp của dao kéo tạo ra một nhan sắc giả tạo, mà không công nhận bởi một lý do rất đơn giản: Hoa hậu là cuộc thi để tìm kiếm sắc đẹp".
Bạn Anh Ba trong diễn đàn Yahoo có ý kiến: “Không nên cấm vì theo tôi có vô số người sinh ra không phải ai cũng muốn mình không đẹp , và họ đều ước mơ được trở thành người mẫu, hoa hậu. .. nhưng ngặt cái là khuôn mặt không được như ý hoặc khuyết điểm một vài vị trí nào đó, nên họ sẽ phải dùng đến dao kéo cho hoàn chỉnh để rồi đạt được mơ ước, đó cũng là cái hay!
Hoặc Pham Tuan Thanh chia sẻ: “Không nên cấm vì nét đẹp tự nhiên là đẹp, mà nét đẹp dao kéo cũng là đẹp. Những người nhờ đến thẩm mỹ họ cũng chỉ muốn mình đẹp hơn trong mắt mọi người, vậy thì đâu có gì sai”.
Bạn Sinh diễn đàn Yahoo cho rằng: “Phẫu thuật thẩm mỹ là tự do của mỗi người nhất là đối với phụ nữ. Nếu có nhiều người phụ nữ đẹp sẽ làm xã hội đẹp thêm. Thi Hoa hậu là 1 cuộc chơi, mỗi cuộc chơi đều có luật lệ riêng của nó ai vi phạm tất nhiên sẽ phải rời cuộc chơi. Nhưng cũng không nên cứng nhắc quá như trường hợp thí sinh Phạm Thị Thùy Linh, cô đã giải phẫu mũi do tai nạn gãy sống mũi năm 16 tuổi. Phải giải phẫu để điều trị là tất nhiên thôi, theo tôi trước khi quyết cho em chấm dứt cuộc thi, ban tổ chức và những người có trách nhiệm nên xem xét mũi của Thùy Linh có giải phẫu đưa các vật nhân tạo để nâng cao sống mũi hay chỉ là điều trị gãy sống mũi”.
Quay trở lại với việc bị loại của Phạm Thị Thùy Linh cho thấy có thể là do cô chưa nắm rõ quy chế thi, cho nên cô không hỏi kỹ cha mẹ về việc mình có bị phẫu thuật bao giờ không? Nếu cô biết được chắc cô đã dừng ngay từ khi đăng ký dự thi…Bên cạnh đó bản quy chế không có quy định rõ ràng đối với từng hành vi phẫu thuật thẩm mỹ chủ quan và hành vi phẫu thuật khách quan do đó thí sinh hiểu lầm và thực hiện sai quy chế.
Hành vi phẫu thuật mang tính chủ quan xuất phát từ ý định của bản thân chủ thể đó mong muốn thay đổi diện mạo, hướng đến tạo cho mình một vẻ đẹp hoàn thiện. Hành vi này mang tính động cơ rõ ràng, có chủ ý lâu dài, tần xuất thực hiện phẫu thuật nhiều lần với quyết tâm tìm mọi cách mọi hình thức như tiền bạc, thời gian, công sức, mối quan hệ để phục vụ cho việc làm đẹp.
Hành vi phẫu thuật mang tính khách quan là việc bắt buộc chủ thể phải phẫu thuật do hậu quả của những nguyên nhân bên ngoài như tai nạn lao động, giao thông, bị bạo hành thể xác…để chỉnh sửa cơ thể ít nhất trở về với nguyên trạng ban đầu. Hành vi này của chủ thể mang tính chất thụ động và thực hiện trong điều kiện bắt buộc phải tiến hành phẫu thuật để đem lại tâm lý tự tin, không rơi vào mặc cảm với những tổn thương do tác nhân khác gây ra, phải phẫu thuật trong những hoàn cảnh khó khăn về mặt kinh tế không mong muốn.
Rõ ràng, sự phân biệt giữa các phẫu thuật thẩm mỹ có khác nhau. Nó có nguyên nhân và động cơ khác nhau. Cho nên, BTC các cuộc thi về sắc đẹp cần phải có những tiêu chí hoặc quy định đối với người có phẫu thuật thẩm mỹ thì không được xét vào các danh hiệu có gương mặt khả ái, làn da đẹp hay thân hình đẹp nhất…. quy định những phẫu thuật nào thì vẫn được chấp nhận, quy định về thời gian phẫu thuật tính đến thời điểm dự thi. VD: những phẫu thuật thẩm mỹ cách thời điểm dự thi từ 7 đến 10 năm thì vẫn được phép dự thi, phẫu thuật chỉnh sửa ngoài ý muốn như do bị tai nạn giao thông, lao động, bị hành mà có sự xác nhận của cơ sở y tế… đó là những cách để kiểm chứng sự trung thực của mối thí sinh, một phẩm chất rất quan trong ở mỗi người đẹp. Và cũng tránh cho thí sinh bị tổn thương tâm lý sau những gì đã xảy ra. Vì xét cho cùng cuộc thi sắc đẹp không chỉ là thi về vẻ đẹp bên ngoài (dung mạo, nhan sắc) mà còn có phần đẹp quan trọng nhất đó là tâm hồn, nhân cách của mỗi thí sinh và các điều kiện khác nữa.
Những ý kiến trên cũng cho thấy chúng ta cần mở rộng hơn nữa quy chế đối với các cuộc thi sắc đẹp ở trong nước để hội nhập với thế giới như ở đất nước của các hoa hậu thế giới Venezuela việc phẫu thuật thẫm mỹ là một chuyện hoàn toàn được chấp nhận trong các cuộc thi hoa hậu… hoặc trường hợp của Jo Su Jin (Hàn Quốc) nhiều lần đăng ký tham gia thi sắc đẹp nhưng bị từ chối nên đã nhờ đến dao kéo sửa sang. Sau đó, cô giành giải Người đẹp ứng xử trong cuộc thi Miss Korea 2009.
Mã Ngọc Thể

Bạn và người ấy có gì không?


(Tư vấn Khai Tâm) Người ấy có tình cảm và ý định gì với mình không? Đó là câu hỏi mà nhiều bạn nam nữ đều thắc mắc và thầm hỏi. Làm sao đây? Đôi khi bạn phải trở thành một vị “thám tử” để điều tra làm rõ một điều – Người ấy có thật sự chú ý đến bạn hay không?



Bằng những dẫn dụ dưới đây với các tình huống cụ thể, hy vọng rằng bạn sẽ nhanh chóng nhận biết được điều “phiền toái đáng yêu” đó, và biết được mình có “mến” ai không?
1, Người ấy hờ hững không để ý đến bạn khi bạn có những thay đổi là như có trang phục mới, có thái độ vui vẻ và khuôn mặt tươi tắn.
2, Bạn nhờ người ấy làm việc gì đó, người ấy nhận lời một cách rất vui vẻ và hoàn thành tốt công việc ngoài sức mong đợi của bạn.
3, Khi nói chuyện với bạn, người ây luôn kể với bạn về một cô gái (chàng trai) nào đó với thái độ rất trân trọng và say mê, tỏ rõ sự yêu thích, thậm chí còn quên cả bạn là người khác giới ngồi bên cạnh.
4, Người ấy luôn quan tâm tới bạn một cách đặc biệt, có nhiều thái độ âu yếm trong lời nói và cử chỉ.
5, Người ấy chưa bao giờ có ý định mời riêng bạn đi chơi.
6, Lúc đối diện với bạn, người ấy hay hỏi về một người bạn khác giới của bạn mà người ấy biết như: Cô ấy (anh ấy) chắc là xinh đẹp, nhiều tài lắm nhỉ?...và nhiều điều gạn hỏi hòng phán đoán tình hình có nên tiến nữa hay lùi.
7, Giữa đám đông người ấy nói những câu “tỏ tình” với bạn bằng những điệu bộ và cử chỉ rất khôi hài khiến cho ai cũng phải bật cười.
8, Đôi khi bạn cảm thấy nóng rực sau lưng, bất chợt quay lại và thấy người ấy nhìn mình một cách chăm chú. Lúc đó họ nhoẻn miệng cười rất tươi với bạn.
9, Bạn gợi ý khéo người ấy tặng bạn một thứ gì đó, nhưng người ấy chỉ ậm ừ, khất hết lần này đến lần khác.
10, Người ấy luôn tìm cách để được gần và tiếp xúc với bạn, và trong đám đông người ấy luôn ủng hộ và đỡ lời cho ý kiến của bạn những lúc bạn “lâm nguy”.
11, Trước sự quan tâm của bạn, người ấy tỏ ra lảng tránh, đôi khi còn cáu gắt, bực tức thiếu tế nhị với bạn.
12, Khi ở gần bạn người ấy dường như lúng túng, e thẹn và luôn nhường lời cho bạn nói trước, ít khi phản bác lại ý kiến của bạn.
Đánh giá:
Trong những tình huống trên, nếu những biểu hiện nào đúng với bạn thì bạn đã có câu trả lời:
a, Với các câu: 1, 3, 5, 7, 9, 11
Trong trường hợp này người ấy không quan tâm đến bạn. Người ấy không thích và không yêu bạn. Thậm chí còn có thể hơi “ghét ghét” bạn. Nếu bạn đã trót “tương tư” người ta rồi mà người ta vẫn không có sự “mở cửa lòng” đối với bạn thì bạn hãy nhanh chong xua tan đi nỗi nhớ bấy lâu nay để tránh tình trạng đơn phương, cô đơn tiếc nuối. Hãy nhớ rằng: Trên đời này vẫn có người đáng yêu hơn.
b, Với các câu: 2, 4, 6, 8, 10, 12
Trong trường hợp này thì đã rõ như ban ngày: Người ấy rất có cảm tình đặc biệt với bạn. Có thể nói rằng họ đã có một chút “yêu”, một chút “nhớ”…không tên rồi đó. Nếu như bạn thật sự quan tâm và đồng cảm với người ấy thì hãy nhanh chóng phát “tín hiệu gọi mời” người ấy bằng những tia nhìn nồng ấm, những câu nói dịu dàng và những nụ cười hấp dẫn, để người ấy được dõng dạc vươn mình đứng dậy trong tiếng nói yêu thương: Alô! Tôi nghe rõ trả lời!
Những gợi ý trên đây mong muốn giúp bạn tìm thấy được những “đồng minh đáng mến” và nhận biết được những “tín hiệu ngược dòng” đặc biệt.
Xin chúc bạn thành công và gặt hái được nhiều yêu thương!

Mã Ngọc Thể

Phân tích giấc mơ - Một kỹ thuật trị liệu tâm lý

(Tư vấn Khai Tâm) Trong cuộc sống hàng ngày, ai ai cũng có những giấc mơ diễn ra trong giấc ngủ của mình. Có người có những giấc mơ đẹp diễn ra một cách nhẹ nhàng, khi tỉnh dạy cho ta một cảm giác nhẹ nhõm thoải mái và tràn đầy hy vọng. Tuy nhiên, cũng có người có những giấc mơ hỗn loạn, hãi hùng, chết chóc, bi thương, tang tóc và chứa đầy sự sợ hãi lo âu.

Nhiều người sau khi tỉnh dạy thấy mình như người “mất hồn”, bị ám ảnh bởi những hình ảnh, âm thanh trong giấc mơ được lưu lại trong trí nhớ. Những sự kiện đó có thể làm cho họ hoang mang, không có phương hướng trong điều khiển hành vi và ý thức. Hậu quả này nếu không được giải toả kịp thời sẽ nảy sinh ra rối nhiễu tâm lý, hoảng loạn tâm thần, và có nguy cơ tự sát.

Vậy khi gặp những tình huống như vậy, bạn sẽ phải làm gì?

Bạn hãy đưa người thân của mình tới các trung tâm tham vấn tâm lý để các chuyên gia trợ giúp tìm ra nguyên nhân hoá giải các giấc mơ có hại. Tránh được các nguy cơ mang tính chất bệnh lý làm hại đến bản thân. Đây là kỹ thuật Phân tích giấc mơ (giải mộng) mà các Nhà trị liệu thường áp dụng trong tham vấn và trị liệu tâm lý.

Nhà trị liệu sẽ làm gì với Kỹ thuật phân tích giấc mơ?

Bằng năng lực chuyên môn của mình Nhà Trị liệu (NTL) sẽ thực hiện các công việc đối với thân chủ(TC) của mình như sau:

-Giúp con người tìm lại những cội rễ vô thức của các vấn đề của mình nảy sinh những xung đột bị dồn nén, bằng cách là sau khi giải phóng những cảm xúc có liên quan, bản thân con người sẽ cấu trúc lại nhân cách của mình trên những cơ sở mới. Điều này cũng bao hàm việc loại trừ các triệu chứng tâm bệnh.


Theo phân tâm học, nhân cách của con người được cấu tạo từ mối liên hệ phức tạp của năng lực cá nhân và những trải nghiệm từ thời thơ ấu. Những hành vi của một cá nhân, do đó là kết quả của những mẫu hành vi thơ ấu và có nguồn gốc vô thức. Nói cách khác, chúng ta có những nhu cầu và ước muốn bị dồn nén và nhờ vào các mối quan hệ với những người khác trong thời thơ ấu mà chúng ta học được những cách thức rõ ràng để thoả mãn những dồn nén này. Nếu mỗi cá nhân mà không học được cách thoả mãn nhu cầu bị dồn nén thì cá nhân ấy sẽ trở thành những người không bình thường.

Giấc mơ là nguồn gốc quan trọng chứa đựng thông tin về những động cơ vô thức của thân chủ. Khi con người ngủ, siêu thức có vẻ yếu đi trong việc kiểm duyệt những xung đột không thể chấp nhận được có nguồn gốc trong vô thức. Vì vậy, những động cơ không thể bộc lộ được trong khi thức lại có thể được biểu hiện trong giấc mơ.

NTL có thể sử dụng phương pháp phân tích giấc mơ (giải mộng) để hiểu và xử lý những vấn đề của TC. Cũng cần lưu ý rằng một vài động cơ không thể chấp nhận được bởi chính ý thức không thể được bộc lộ một cách công khai, thậm chí cả trong giấc mơ, do vậy theo các cơ chế phòng vệ chúng phải thể hiện dưới hình thức “trá hình” hoặc “tượng trưng”.

NTL cố gắng làm bộc lộ những động cơ bị che dấu này bằng cách sử dụng kỹ thuật giải mộng, xem xét đánh giá nội dung của giấc mơ của TC nhằm phát hiện những động cơ vô thức, tượng trưng hay trá hình và ý nghĩa của những mong muốn và những trải nghiệm quan trọng trong cuộc sống.

S. Freud ông tổ của Phân tâm học cho rằng “giấc mơ là con đường huy hoàng dẫn tới vô thức”. Do đó các NTL phải xem xét hai hình thức về nội dung của giấc mơ: nội dung rõ rệt (có thể chiêm nghiệm được) và nội dung tiềm ẩn (mang tính che dấu). Nội dung rõ rệt là điều TC nhớ lại khi thức khi thân chủ bộc lộ rõ những ham muốn của bản thân, nội dung tiềm ẩn bao gồm những động cơ hiện tại đang tìm kiếm sự bộc lộ nhưng làm cho TC quá đau khổ hoặc không thể chấp nhận được hoặc không muốn thừa nhận chúng.Vì vậy những xung đột đó hàng ngày không được biểu lộ ra thì trong giấc mơ nó lại có cơ hội được phát triển. Từ đó NTL có thể phân tích giấc mơ của TC để lý giải vấn đề của họ. Tất cả các giấc mơ đều có một ý nghĩa. Không những giấc mơ có một ý nghĩa, mà ý nghĩa của giấc mơ là nguyên nhân của giấc mơ. Ý nghĩa của giấc mơ cho phép tìm thấy nguyên nhân sâu xa của vấn đề thân chủ đang gặp phải những vướng mắc nào đó trong tâm lý về cuộc sống mà họ đã và đang trải qua. Cái mà chúng ta nhớ lại từ giấc mơ là biểu hiện của nó; cái gây ra giấc mơ là nội dung tiềm ẩn, hoặc bị dồn nén và vô thức của nó.

Tất cả các giấc mơ đều là sự thực hiện những ham muốn; nó nói lên những ham muốn của con người trong cuộc sống, những ham muốn đó do nhiều nguyên nhân tác động đã làm cho thân chủ không thể thực hiện được mong muốn của mình và dồn nén vào trong giấc mơ. Đó có thể là ham muốn về tình dục, hoặc có thể là ham muốn quyền lực trong hoàn cảnh không thể hoàn thành một công việc được giao. Phần lớn những giấc mơ của trẻ con là sự thực hiện những ham muốn một cách trực tiếp, hoặc là sự bù đắp những ham muốn bị ngăn chặn, hẫng hụt, không thực hiện được hay phải để lại sau này mới thực hiện, khi tỉnh dậy. Những giấc mơ của người lớn thì phức tạp hơn, nói chung sự hạn chế của chúng thường đến từ nội tâm hay đã trải qua dồn nén. Trong các giấc mơ, sự lo hãi cũng thường được gây ra do thực hiện một trá hình ẩn giấu ham muốn bị dồn nén, nhất là khi cần có sự dồn nén để tránh cho người bệnh lo lắng, cảm thấy mình có tội hay e sợ.

Việc phân tích giấc mơ không phải là một kỹ thuật hoàn hảo hoá giải tất cả những điều sâu kín dồn nén trong tâm hồn của mỗi người nhưng nó là một kỹ thuật đưa bạn thoát ra khỏi các nguy cơ làm tổn hại đến bản thân cũng như người khác.
Mã Ngọc Thể

Thứ Hai, 20 tháng 1, 2020

Thông báo lịch nghỉ tết nguyên đán





Trung tâm Tư vấn tâm lý và Giáo dục phát triển cộng đồng Khai Tâm sẽ thực hiện lịch nghỉ Tết cổ truyền từ thứ Năm ngày 23/01/2020 đến hết thứ Tư ngày 29/01/2020 (tức từ ngày 29 tháng Chạp năm Kỷ Hợi đến hết mùng 5 tháng Giêng năm Canh Tý). Ngày 30/1/2020, tức ngày 6 tết, Trung tâm sẽ trở lại hoạt động bình thường!

Nhân dịp năm mới Canh Tý 2020, Trung tâm xin gửi lời chúc tới toàn thể các cán bộ, nhân viên và các gia đình, khách hàng, đối tác của Trung tâm lời chúc năm mới Phát tài, phát lộc, có nhiều sức khỏe, may mắn, thành công, an khang và thịnh vượng!

                                     

Khoá đào tạo Trị liệu nghiện



Năm 2020 Hội Tâm lý học Hàn Quốc tổ chức khoá học chuyên sâu cho nhà Tâm lý tư vấn và trị liệu nghiện media, ma tuý, rượu. 
Với lộ trình 200 giờ học cho 5 đợt học ( tháng 3, tháng 5, tháng 7, tháng 9, tháng 11). Mỗi đợt 5 ngày học. Khoá học đợt này với kinh phí 7 triệu 1 người x 5 đợt. Tổng 35 triệu. Sau 5 đợt học sẽ được nhận chứng chỉ nhà Tâm lý học tư vấn và trị liệu nghiện cấp 1.
Số lượng người tham gia lớp học giới hạn 30 người đã có chứng chỉ Tư vấn Tâm lý nghiện cơ bản do Hội TLH Hàn Quốc và Hội TLH VN cấp.
Các nhà Tâm lý học cần đăng ký qua email mailantamly@gmail.com; đt: 0338456666.
Thời gian đăng ký: từ ngày 20/1/2020 đến 6/2/2020

Dịch vụ Tư vấn tâm lý đầu tiên tại Tuyên Quang

(Tư vấn Khai Tâm) Khi bạn và những người thân trong gia đình gặp những vấn đề khó khăn về tâm lý bạn có thể tìm được rất nhiều cách tháo gỡ khó khăn ấy. Bạn có thể gặp người có kinh nghiệm, hiểu biết để được giúp đỡ, tìm lời khuyên hoặc bạn có thể tự mình giải quyết vấn đề.


🤹‍♂️Nhưng việc làm đó nhiều khi không những không đạt được kết quả tốt mà còn đem lại những hậu quả đáng tiếc không đáng xảy ra. Do đó, bạn có thể nghĩ ngay đến việc tìm gặp các chuyên gia tâm lý để tìm kiếm sự trợ giúp. Bởi họ chính là những người có chuyên môn được đào tạo rất bài bản, có kiến thức khoa học, họ sẽ là người biết cách giúp đỡ bạn đúng lúc, kịp thời và hiệu quả nhất.
LĨNH VỰC TƯ VẤN
- Hỗ Trợ giáo dục cho trẻ có rối loạn phát triển: Trẻ tự kỉ, chậm ngôn ngữ, khó khăn học tập, tăng động, giảm chú ý, rối loạn hành vi...
- Hỗ trợ khẩn cấp khủng hoảng ( tư vấn tức thời- một lần)
- Tham vấn Tình yêu – Tình bạn, các vấn đề tâm lý lứa tuổi
- Tham vấn Hôn nhân –Hạnh phúc gia đình, trong quan hệ vợ chồng, ông bà, bố mẹ, con cái.
- Tham vấn Cai nghiện (Game, Ma túy)
- Tham vấn rối nhiễu tâm lý
- Tham vấn phát hiện và hỗ trợ trẻ có rối loạn phát triển
- Tham vấn sức khoẻ sinh sản, tình dục, giới tính.
- Tham vấn HIV- quan hệ tình dục đồng tính
- Tham vấn giúp khám phá bản thân.
- Tham vấn phát triển tổ chức, xây dựng văn hóa doanh nghiệp.


HÌNH THỨC TƯ VẤN
Quý vị khi có nhu cầu tham vấn, Chuyên gia sẽ tham vấn cho quý vị với các hình thức phù hợp:
- Tham vấn trực tiếp tại văn phòng.
- Tham vấn cộng đồng (tại gia đình, quán cafe, địa điểm do khách hàng đặt, địa điểm khác phù hợp).
- Tham vấn qua điện thoại.
- Tham vấn qua thư.
- Tham vấn qua CHAT trực tuyến.
- Tham vấn cá nhân.
- Tham vấn nhóm, gia đình.
- Tham vấn cặp đôi.
- Tham vấn trong giờ hành chính.
-Tham vấn ngoài giờ hành chính (đặt lịch hẹn trước)

Để gặp được chuyên gia tâm lý bạn có thể đến:
 Trung tâm Tư vấn tâm lý và Giáo dục phát triển cộng đồng Khai Tâm
Đc: Số 133-135, đường Bến phà cũ, tổ 4 phường Nông Tiến, tp Tuyên Quang.

☎️☎️Hotline: 0868.736.889.

Chúc quý vị tìm được những điều hữu ích cho bản thân và gia đình!

Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2020

Mẹ chồng - nàng dâu: Gió có đổi chiều?

(Tư vấn Khai Tâm) Những tưởng xã hội ngày càng phát triển, thì mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu sẽ bớt căng thẳng và trở nên dễ chịu hơn trước. 
Sau khi lấy chồng, buồn nhiều hơn vui

Hà là cô gái xinh đẹp, hiền lành, có công ăn việc làm ổn định, nhưng từ khi về nhà chồng, cuộc sống của cô buồn nhiều hơn vui. Lý do là mẹ chồng cô rất hay xét nét con dâu. Nhà chỉ có một cậu con trai, nên bà dồn mọi tình cảm, lo lắng cho con. Nhưng từ khi con lấy vợ, bà không còn được độc quyền chăm sóc cậu quý tử đâm ra thất vọng, dồn mọi ấm ức lên đầu Hà.

Trước kia, mỗi khi bị hắt hơi, sổ mũi, sợ con trai lo lắng ảnh hưởng đến công việc, bà thường giấu kín. Bây giờ, ốm đau một chút, bà vào viện luôn để xem con dâu có đủ nhẫn nại chăm sóc mẹ chồng không. Nhiều khi, chỉ cần thấy con trai chiều chuộng, âu yếm vợ trước mặt mình, y như rằng hôm sau nếu không ốm liệt giường, bà cũng nước mắt ngắn dài, sụt sùi bỏ cơm vì “cái thằng coi vợ hơn mẹ”.
Hà không biết làm gì hơn là nuốt ấm ức vào lòng, bởi cô sợ nếu lỡ lời nói một câu mẹ chồng không vừa ý “bà giận thì chết”. Cô không hiểu tại sao mẹ chồng lại có thái độ như thế đối với mình dù cô đã rất cố gắng làm bà vui lòng.

Những lúc như thế, cô chỉ biết khóc thầm và cầu mong mọi chuyện chóng qua. Lâu dần, cô không còn dám thể hiện tình cảm với chồng trước mặt mẹ, không dám nói với anh những lời âu yếm vì sợ bà giận lại bỏ cơm. Quá bế tắc trước cuộc sống, Hà gọi điện đến trung tâm tư vấn để được giúp đỡ.

Chị Thu Mai, 28 tuổi, lấy chồng được 3 năm, cũng cảm thấy “khó ở” với nhà chồng. Chị thừa nhận mình khá vụng về trong ứng xử, nhưng sự hà khắc của bố mẹ chồng đã cộng hưởng cho những mâu thuẫn bột phát liên miên. Khi chưa có con thì còn đỡ, bởi hai vợ chồng ở riêng, nhưng từ khi có thằng cháu thì tình hình ngày càng căng thẳng do mẹ chồng chuyển đến để chăm cháu.

Chị Mai cho biết, chuyện trong nhà từ bé đến lớn mẹ chồng đều can thiệp mà chị thì không dám chống lại. Con mới 6 tháng tuổi, bà đã bắt cháu cai sữa với lý do sữa ngoại giờ tốt không thua kém gì sữa mẹ. Bà rất ít khi để cho Mai bế con vì “sẽ làm cho thằng bé sau này lớn lên không tự lập”.
Một lần đi làm về, nhìn thấy mẹ chồng đang lúi húi trong bếp, Mai chào thật to: “Con chào bà nội”, thế là bị bà giận gần một tuần liền vì nghĩ con dâu coi thường mình. Chồng chị Mai không dám can thiệp vì cũng sợ mẹ. Chính vì thế, tổ ấm nhỏ bé của họ ít khi thấy được niềm vui vì sự hiện diện của mẹ chồng.

Sự không hiểu nhau làm quan hệ xấu đi

Qua trò chuyện với nhiều khách hàng, các chuyên gia tư vấn tâm lý nhận ra rằng lý do chủ yếu làm xấu đi mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu là sự không hiểu nhau. Người trẻ cần hiểu rằng người già dễ tủi thân, khó tính, đôi khi lẩm cẩm. Người già cũng nên thông cảm với tuổi trẻ, họ vụng về, vô tư, “hiện đại” hơn mình.

Để xoá bỏ mâu thuẫn, theo chuyên gia tâm lý Mã Ngọc Thể, thì quan hệ mẹ chồng nàng dâu nên là mối qua hệ “cộng cảm”, chia sẻ với nhau mối quan tâm săn sóc con, chồng. Nếu xác định được ranh giới, mức độ cần thiết trong sự chăm sóc đến “đối tượng chung” thì sẽ tạo ra được sự cộng hưởng tình cảm.

Chẳng hạn, trường hợp mẹ chồng của chị Hà, khi chưa lấy vợ, anh luôn nghe theo ý kiến và sự sắp đặt của mẹ. Nhưng sau khi lấy vợ rồi thì tình cảm đó bị san sẻ, sự quan tâm đến mẹ có phần hạn chế. Người mẹ cũng là người có cảm giác “mất mát” nhiều nhất và “đổ lỗi” tại con dâu. Bên cạnh đó, hành động âu yếm vợ trước mặt có thể khiến bà cảm thấy tủi thân. Nếu con dâu không hiểu được tâm lý này, sẽ không thông cảm được với mẹ chồng và dễ cho rằng bà ích kỷ, khó tính.

Qua kinh nghiệm tham vấn tâm lý trực tiếp cho nhiều trường hợp mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu, các chuyên gia tư vấn tâm lí đưa ra một vài ý kiến để bạn đọc cùng suy ngẫm:

- Nếu ai từng rơi vào hoàn cảnh mâu thuẫn mẹ chồng, nàng dâu, đặc biệt là chịu sự đối xử không công bằng của mẹ chồng, điều trước tiên là hãy cố gắng lý giải và tìm ra nguyên nhân sâu xa của những hành động đó. Khi đã tìm ra rồi, con dâu sẽ dễ thông cảm với mẹ chồng hơn.

- Một người vợ khôn khéo cũng sẽ biết cách lôi kéo chồng mình vào cuộc, tuy nhiên không phải là cuộc chiến mà là cuộc chinh phục. Hãy luôn tâm niệm rằng: Không người mẹ nào ghét bỏ những đứa con có hiếu và biết cách bày tỏ lòng yêu thương chân thành với họ.

- Cuối cùng, nếu cả mẹ chồng và con dâu đều cố gắng đặt mình vào địa vị của nhau thì như thế là họ đã tạo ra cơ hội để hiểu và dễ thông cảm cho nhau hơn. Nếu như người mẹ chồng nào cũng nghĩ rằng: “Dâu là con, nó đã về gia đình mình, cũng như con gái mình đi lấy chồng, mình thương nó rồi nó cũng sẽ thương mình”. Và người con dâu nào cũng nghĩ: “Mặc dù mẹ không trực tiếp sinh ra mình nhưng có công sinh thành nuôi dưỡng chồng mình. Vì vậy việc kính yêu, tôn trọng bố mẹ chồng là điều mà một người con dâu nên làm” thì có lẽ chuyện mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu sẽ không còn nhức nhối nữa.

Theo Đặng Tâm/GĐ - http://giadinh.net.vn/home/200810130...-doi-chieu.htm

Học cách quên tình yêu: Vượt qua khủng hoảng

(Tư vấn Khai Tâm) Học cách để quên tình yêu khi bị đổ vỡ là hết sức cần thiết, bởi nó vừa giúp ta biết vượt qua được những giai đoạn khủng hoảng tinh thần, vừa giúp ta sống ý nghĩa hơn.

Sau khi đọc loạt bài "Học cách quên tình yêu" trên www. giadinh.net.vn (thuộc Báo GĐ&XH), bạn Đinh Ngoc Oanh chia sẻ: "Đã có những tháng ngày tôi không ăn uống gì, người như mất hồn, thường xuyên đi bộ lang thang và khóc rất nhiều, trái tim lúc nào cũng như bị bóp nghẹt.

Tôi đã từng không tin rằng người ta yêu nhau có thể chết vì nhau, hay sẵn sàng nhảy vào nước sôi lửa bỏng, vậy mà tôi đã lâm vào tình trạng đó. Tôi đau khổ tột độ, không thể chia sẻ với ai được. Tôi vùi đầu vào công việc và giao tiếp với nhiều người hơn. Rồi tất cả nhẹ nhõm trở lại, tôi đã bắt đầu có niềm tin vào cuộc sống".

Cũng đã từng có những tháng ngày đau khổ vì thất tình, nickname "Voicon" kể: "Tình yêu đầu tiên của tôi kết thúc vào đúng đêm Giao thừa, lúc đó đối với tôi tất cả dường như chấm hết. Tôi đã nghĩ tới cái chết nhưng khi cầm con dao, nghĩ mọi thứ sẽ kết thúc, tôi mới biết cuộc sống đáng quý như thế nào...

Giờ tình cảm của tôi dành cho anh vẫn nguyên như ngày đầu, nhưng tôi hiểu đó chỉ còn là quá khứ. Tình yêu là thứ thiêng liêng nhưng không vì thế mà coi nhẹ tình yêu của bố mẹ dành cho mình. Hiểu ra điều đó, tôi đã biết chấp nhận và vượt qua".

Cũng có những bạn đọc đang có những ý nghĩ tiêu cực vì thất tình, sau khi đọc loạt bài "Học cách quên tình yêu" đã gửi email, gọi điện tới toà soạn để chia sẻ.

Nicknam "hoasim" cho biết, chị đã từng có ý định nhảy lầu khi nghe người chồng từng sống với mình 18 năm trời nói rằng chưa bao giờ yêu chị, để rồi đi theo một người đàn bà khác. Hiện tại chị rất đau khổ, vẫn chưa biết vượt qua nỗi đau này như thế nào, nhưng chị khẳng định "chắc chắn tôi sẽ không bao giờ tìm đến cái chết nữa"...



                                                                 Chuyên gia tâm lý Mã Ngọc Thể

Không nên níu kéo

Về bản chất con người không thể quên được tình yêu mà chỉ có thể nguôi ngoai, vơi bớt đi những cảm xúc về một cuộc tình đã qua.

Khi yêu, ai cũng muốn ở bên nhau suốt đời. Khi đổ vỡ sẽ rất muốn níu kéo. Nhưng sự cố níu kéo ấy lại càng làm cho con người khó quên, càng nhớ lâu hơn.

Do vậy, thay vì níu kéo hoặc cố quên đi thì hãy hướng đến những niềm vui khác từ công việc, học hành, khẳng định bản thân.


Hãy xem sự đổ vỡ là một trải nghiệm

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hồng Lê, Trung tâm tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc và kỹ năng cuộc sống cho rằng, yêu rồi tan vỡ, tất sẽ dẫn đến đau khổ.

Thất tình sẽ như một sang chấn tâm lý, có người vượt qua nhưng có người không vượt qua được.

Những người vượt qua được thường có cách nghĩ tích cực, giúp họ biết hướng tới những điều tốt đẹp khác trong mất mát tâm hồn.

Có nhiều cách để quên tình yêu nhưng bà Lê khuyên rằng: Cách tích cực là nên giữ lại những kỷ niệm đẹp, nhìn nhận sự tan vỡ đó như một sự trải nghiệm rằng mình đã có những thời khắc, những kỷ niệm đẹp trong cuộc đời.

Nếu tự mình không thể vượt qua được khủng hoảng, những người thất tình nên tìm đến một ai đó để chia sẻ, giải thoát sự bế tắc.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Phương Thảo, Tổng đài tư vấn tâm lý tình cảm 1088 cho rằng: Muốn quên tình yêu, tốt nhất là không để cho mình có thời gian nhàn rỗi.

Hãy lấp đầy khoảng trống của thất tình bằng công việc, bằng học hành, bằng việc quảng giao bạn bè, tìm đến những niềm yêu thích khác. Thời gian chính là liều thuốc quý giúp ta hàn gắn vết thương lòng.
3 kiểu giải quyết “thất tình”

- Thất tình do lầm tưởng: Dạng thất tình này dễ gây sốc tâm lý nhất. Sự lầm tưởng tạo cho người ta một trạng thái hưng phấn vì nghĩ là được yêu, nên khi đối phương tìm đến người khác, họ cho rằng mình bị phản bội.

Cách quên trong trường hợp này là: Nghĩ đến những giá trị khác của bản thân; xác định tình yêu không phải là tất cả; nghĩ "mất đi" là sự may mắn vì thực chất họ không xứng đáng với tình cảm của mình.

- Thất tình do đơn phương: Nguyên nhân là do mình không hiểu mình, mình yêu người ta lại không đủ yếu tố để người ta yêu lại.

Cách quên: Hiểu mình và chấp nhận sự thật "mình yêu cái nồi đó, nhưng mình lại không phải là cái vung của họ". Chấp nhận được như vậy sẽ thấy rất thoải mái.

- Thất tình do mâu thuẫn dẫn đến chia tay: Do tự ái, do vội vàng, do quá yêu cái "tôi" nên khi nóng nảy đã nói: "Chúng ta bỏ nhau", thay vì nên nói "chúng ta làm bạn".

Cách quên: Trong trường hợp này, hãy dẹp bỏ tự ái, đến nói với người yêu rằng: "Anh không thể xa em được" rồi làm lại từ đầu.

Hoàng Minh

Theo Lâm Vũ - Gia đình & Xã hội

Tổ chức lớp bồi dưỡng Nghiệp vụ giáo dục đặc biệt

THÔNG BÁO TỔ CHỨC CÁC LỚP NGHIỆP VỤ GIÁO DỤC TRẺ CÓ NHU CẦU ĐẶC BIỆT
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức các lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ Nghiệp vụ giáo dục đặc biệt, Nghiệp vụ sư phạm về Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật và Nghiệp vụ sư phạm về Giáo dục hòa nhập cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ. Thông tin tuyển sinh các khóa bồi dưỡng này như sau:


I. Chứng chỉ nghiệp vụ giáo dục đặc biệt

1. Đối tượng tuyển sinh:
Cán bộ quản lý, giáo viên trong các cơ sở dạy trẻ có nhu cầu đặc biệt, Những người đã tốt nghiệp các ngành sư phạm.
Những người đã tốt nghiệp các ngành gần với ngành Giáo dục đặc biệt như: Công tác xã hội, Y tế, Phục hồi chức năng, Tâm lý - Giáo dục, Sinh học, Khoa học xã hội và nhân văn khác.
Học sinh các trường trung cấp chuyên nghiệp, sinh viên đại học, cao đẳng thuộc ngành sư phạm; các ngành gần với ngành Giáo dục đặc biệt, khoa học xã hội và nhân văn khác.
2. Chương trình đào tạo: 345 tiết.

II. Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm về Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật
1. Đối tượng tuyển sinh:
Cán bộ quản lý, chuyên viên Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo phụ trách giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật.
Cán bộ quản lý, giáo viên trường mầm non/tiểu học/trung học cơ sở.
Cán bộ quản lý, giáo viên trung tâm hỗ trợ và phát triển giáo dục hòa nhập.
Cán bộ quản lý, giáo viên trường/trung tâm dạy trẻ khuyết tật.
2. Chương trình đào tạo: 345 tiết.

III. Chứng chỉ Nghiệp vụ sư phạm về Giáo dục hòa nhập cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ
1. Đối tượng tuyển sinh:
Những người đã tốt nghiệp các ngành sư phạm.
Những người đã tốt nghiệp các ngành gần với GDĐB: CTXH, y tế, Phục hồi chức năng, cử nhân Tâm lý - giáo dục học, cử nhân sinh học, cử nhân khoa học xã hội.
Sinh viên khoa giáo dục đặc biệt thuộc các chuyên ngành khác: Khiếm thính, khiếm thị, khuyết tật trí tuệ.
Sinh viên các ngành sư phạm: Giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, sinh học, văn học, tâm lý- giáo dục học.
2. Chương trình đào tạo: 345 tiết.

* Kinh phí đào tạo:
- Đối với lớp từ 30-39 học viên: 3.800.000đ/1 người.
* Địa điểm học tập: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
* Thời gian học: Thứ 7, Chủ nhật
- Dự kiến khai giảng vào ngày 07/09/2019
* Thu nhận hồ sơ:
Trung tâm Đào tạo – Bồi dưỡng thường xuyên, phòng 603 nhà Hiệu bộ Trường ĐHSP Hà Nội, 136 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 024.37547843; Website: http://dtbdtx.hnue.edu.vn

Ghi chú: Trường ĐHSP Hà Nội không mở lớp nếu số lượng hồ sơ đăng ký dưới 20 người/1 lớp.

TS. Mã Ngọc Thể - Chuyên gia đào tạo và tham vấn tâm lý




TS. Mã Ngọc Thể

Giảng viên Tâm lý học. Chuyên tham vấn tâm lý về các vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình và giáo dục con cái. 
Cung cấp, chia sẻ thông tin, kiến thức và Tư vấn tâm ly.́ 
Cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tâm lý giáo dục. 
Hỗ trợ giáo dục trẻ có rối loạn phát triển: Trẻ tự kỉ, chậm ngôn ngữ, tăng động, giảm chú ý... 
Đào tạo kỹ năng sống và nghề nghiệp. 
Liên kết hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong các Dự án Công tác xã hội. 

Điện thoại: 0915 865 668
Email: mangocthe@gmail.com

Trên 20 năm kinh nghiệm hoạt động thực tiễn và nghiên cứu:


1. Hướng nghiên cứu: Tâm lý học tham vấn, Tâm lý học giáo dục, Tâm lý học quản trị, và Tâm lý học sáng tạo...
2. Tham vấn các lĩnh vực: Tình yêu - Hôn nhân - Gia đình, Giáo dục, Quản lý nhân sự, ...
3. Quá trình đào tạo:

- Từ 1994-1998: Cử nhân Tâm lý học, Khoa Tâm lý học, Trường Đại học KHXH và Nhân văn Hà Nội.
- Từ 2006-2009: Thạc sĩ Tâm lý học, Khoa Tâm lý học, Trường Đại học KHXH và Nhân văn Hà Nội.
- Từ 2012 -2015: Tiến sĩ Tâm lý học, Khoa Tâm lý học, Học viện khoa học xã hội, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.

4. Tham gia giảng dạy: 

- Đào tạo, tập huấn chuyên môn cho những người làm trong lĩnh vực Công tác xã hội thuộc Sở LĐTB & XH tỉnh Tuyên Quang.
Đào tạo xây dựng văn hóa doanh nghiệp, huấn luyện kỹ năng làm việc cho các dự án xã hội - phát triển cộng đồng. Đào tạo nhân viên mới.
- Giảng viên thỉnh giảng các trường Đại học sư phạm Hà Nội; Đại học sư phạm Hà Nội 2; Trường Đào tạo cán bộ - Hội nông dân Việt Nam; Đại học Tân Trào...
- Hướng dẫn thực tập cho sinh viên bộ môn Công tác xã hội- khoa Xã hội học – Trường ĐH KHXH & NV Hà Nội.
- Hướng dẫn thực tập tốt nghiệp cho sinh viên Tâm lý giáo dục – Khoa Giáo dục – Học viện quản lý giáo dục.
- Giảng viên chính đào tạo nhân viên tư vấn tâm lý không chuyên cho cán bộ chính sách của Công ty TNHH Freetrend Industrial (VN) – Khu Chế xuất Linh Trung 1- Thủ Đức – Tp Hồ Chí Minh.(2011)
- Giảng viên chính khoá TOT về kỹ năng sống cho giáo viên Trường trung học cơ sở Cát Bi – Lê Chân – Hải Phòng.(2011)
- Giảng viên chính Dự án đào tạo kỹ năng sống cho học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố Hải Phòng. (Sở giáo dục và đào tạo Hải Phòng – Công ty Dome Việt Nam tổ chức)
- Cố vấn chuyên môn và tổ chức cho Trung tâm Ban Mai –Trung tâm giáo dục và chăm sóc trẻ em có khó khăn về tâm lý, rối loạn phát triển – Hội khoa học tâm lý –giáo dục Hải Phòng.
- Giảng viên khoá đào tạo kỹ năng sống “đột phá thành công” Trung tâm tư vấn và đào tạo Felix tổ chức
- Giảng viên chính tập huấn về “Một số vấn đề tâm lý trong làm việc với người sử dụng ma túy ” thuộc dự án “Hỗ trợ tâm lý, tư vấn cho những người sống chung với HIV và tăng cường năng lực cho cán bộ y tế đang trực tiếp chăm sóc cho người có HIV tại Bệnh Viện Đống Đa (Hà Nội) và Bệnh viện Việt Tiệp (Hải Phòng)” do Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) phối hợp cùng GIP ESTHER thực hiện.(2009)
- Dạy học chương trình 100 tuần cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, nghèo, thất học, lang thang đường phố tại Hà Nội (Chương trình của Plan 1998-1999)
- Làm việc với trẻ em lang thang, có hoàn cảnh khó khăn - Văn Phòng tư vấn quyền trẻ em- UBBV & CS TE Quận Hoàn Kiếm – Hà Nội (1998)

5. Cộng tác viên:
- Phó Chủ nhiệm đề tài cấp tỉnh Tuyên Quang: Đánh giá kết quả phục hồi chức năng cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ tại tỉnh Tuyên Quang do Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen chủ trì năm 2016-2018.
- Trung tâm tham vấn Hoàng Nhân. Website: http://tuvantamly.vn
- Cộng tác viên cho trang Hôn nhân – Gia đình báo Người lao động, báo Phụ nữ TP HCM.
- Tham gia mạng lưới Phòng và Chống buôn bán người - phụ nữ và trẻ em.
- Tham gia mạng lưới phát triển tham vấn học đường và hướng dẫn thực tập tham vấn học đường cho sinh viên Tâm lý – Giáo dục – tại Hà Nội.

6. Các hoạt động truyền thông cộng đồng:
- Tư vấn về Kỹ năng sống (Chương trình Kỹ năng sống phát sóng vào lúc 8h00 sáng thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần trên kênh VTV3).
- Trò chuyện về chủ đề " Hiện tượng vô cảm" trên Đài tiếng nói nhân dân Tp Hồ Chí Minh.
- Tư vấn về các Phương pháp giáo dục sớm cho trẻ từ 0 đến 6 tuổi.
- Tư ván cho sinh viên trường Đại học Tân Trào về tình yêu, sống thử, hôn nhân với chủ đề "Yêu trách nhiệm, sống văn minh"
- Tư vấn tâm lý cho bệnh nhân mắc bệnh máu khó đông- Viện huyết học truyền máu Trung ương.
- Tư vấn về tâm lý trước và sau sinh cho phụ nữ có thai. Chương trình do nhãn sữa Dumex tổ chức.
- Trò chuyện trong chương trình truyền hình "Đa Chiều"- VIP talk chủ đề: Hôn nhân sắp đặt và Tự nguyện trên kênh VTC1 phát vào tối thứ Bảy hàng tuần.
- Tham gia tọa đàm "Nâng cao đời sống tình dục nữ dưới góc nhìn khoa học" do Báo Khoa học & Đời sống tổ chức.
- Trò chuyện trên sóng phát thanh vấn đề : "Ứng xử trong gia đình nhiều thế hệ" trên chương trình " Gia đình và Xã hội" của kênh VOV2 Đài tiếng nói Việt Nam.
- Trò chuyện, tọa đàm với Diễn đàn " Sóng Trẻ" phát vào 15h30 Chủ Nhật hàng tuần trên sóng Đài phát thanh Hà Nội.
- Trò chuyện trực tiếp trên sóng phát thanh vấn đề : "Ly hôn trẻ" trên diễn đàn "Các vấn đề xã hội" của kênh VOV2 Đài tiếng nói Việt Nam.
- Tư vấn cho phụ huynh học sinh trên truyền hình ( Chương trình Bàn tròn nhíphát sóng vào lúc 11h 40 ngày Chủ Nhật hàng tuần trên kênh VTC 11)
- Trò chuyện chia sẻ về Người thứ 3 trong chương trình Mình là phụ nữ phát vào 21h00 tối thứ Sáu hàng tuần trên Kênh 02TV (VCTV 10)
- Tham gia làm giám khảo cho cuộc thi dành cho sinh viên với chủ đề: “Nhà tâm lý tương lai năm 2010” do Trung tâm Nghiên cứu tâm lý trẻ em (Trung tâm N-T Nguyễn Khắc Viện) và khoa Giáo dục - Học viện Quản lí giáo dục tổ chức.
- Trò chuyện, chia sẻ về chủ đề “Yêu và Nhớ” với CLB Kỹ năng sống – Hội sinh viên trường Đại học Ngoại Thương Hà Nội.
- Tổ chức chương trình trò chuyện thường xuyên chia sẻ về tâm lý trong tình yêu dành cho thanh niên, sinh viên.
- Tổ chức chương trình chia sẻ về tâm lý trong giáo dục con cái dành cho các bậc cha mẹ.
- Trò chuyện hỗ trợ Tham vấn học đường cho học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Huyên – Hà Nội.

*Các bài viết cho báo in và điện tử : Tiền Phong, Sinh viên Việt Nam, Thế giới trong ta, Thư giãn, Hoa học trò, Vietimes, Tâm sự bạn trẻ, 24h, Khoa học và đời sống, Pháp luật và cuộc sống, Gia đình và xã hội, Người lao động, Phụ nữ tp HCM,..
Tham khảo thêm các thông tin về Mã Ngọc Thể tại các trang giadinh.net.vn; vnexpress.net; Cẩm nang gia đình. Pháp luật và đời sống, tamsubantre.org; vietimes.vn, người lao động, phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh….


* Sở thích:

-Say mê hội họa, Nghệ thuật nhiếp ảnh,...